Ngoại giao biên viễn Dinh_Trấn_Biên_(Phú_Yên)

Bên cạnh vai trò giữ gìn an ninh biên giới phía Nam đối với Chiêm Thành, dinh Trấn Biên còn được phủ chúa Nguyễn ủy cho nhiệm vụ nhận các cống phẩm của vua Thủy (P’taoEa) và vua Lửa (P.taoPui). Đại Nam thực lục tiền biên chép: "…Thủy Xá và Hỏa Xá vào cống…. Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp giới với Phú Yên, cứ năm năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến…"[5].

Phủ biên tạp lục cũng ghi: "…Năm năm một lần, chúa Nguyễn sai cai đội Phú Yên làm chánh phó sứ đem cho áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo gang, bát sứ các vật và thu thuế cống". Vua nước ấy "soạn ngay các thứ kỳ nam, sáp ong, lộc nhung, tê giác, mật gấu, voi đực giao cho sứ giả đem về dâng (chúa)" [6].

Năm Tân Mão (1711), đời chúa Nguyễn Phúc Chu: "…Đôn vương và Nga vương ở hai rợ Nam Bàn và Trà Lai (sau gọi là Jarai), (giáp với Phú Yên và Bình Định) sai sứ đến dâng vật phẩm địa phương… chúa cho Ký thuộc là Kiêm Đức đem thư đến hiểu dụ những tù trưởng, cho họ áo sa áo đoạn và đồ đồng đồ sứ…"[7].

Lịch sử Công giáo tại Việt Nam cũng ghi nhận một nhà nguyện công cộng được xây dựng tại dinh Trấn Biên, hình thành xứ đạo đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng. Hai nhân vật Công giáo người Việt được ghi nhận là Maria Mađalêna Ngọc Liên, là người sáng lập ngôi nhà thương đầu tiên để săn sóc, cứu chữa các bệnh nhân; và con đỡ đầu của bà là Anrê Phú Yên, về sau trở thành một trong những thánh tử đạo Việt Nam.